LAO ĐỘNG - PHÁP LUẬT - CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

Tuyên truyền, phổ biến Luật phòng chống tham nhũng
Publish date 23/04/2019 | 17:42  | View count: 1924

Ngày 18 và ngày 23/04/2019, UBND quận tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng với sự tham dự của gần 500 lượt người, bao gồm: đại diện lãnh đạo và cán bộ, công chức các phòng, ban, ngành, đoàn thể thuộc quận, đại diện Ban pháp chế và Ban kinh tế HĐND quận, Ban chấp hành Hội Luật gia, Báo cáo viên pháp luật, Ban giám hiệu và kế toán các trường công lập thuộc quận; đại diện lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, công chức Tư pháp - Hộ tịch, Văn hóa - Xã hội, Ban giám sát cộng đồng, tuyên truyền viên pháp luật và đại diện tổ trưởng các tổ dân phố các phường.

Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 20/11/2018. Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019 với 10 Chương và 96 Điều.

Tại hội nghị, đồng chí Báo cáo viên pháp luật đã cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về Luật Phòng, chống tham nhũng, đặc biệt về nguyên tắc công khai, minh bạch, phát hiện xử lý tài sản tham nhũng. Về nội dung công khai, minh bạch, việc thực hiện chính sách pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và công dân... Hình thức công khai bao gồm: niêm yết, công bố tại cuộc họp, thông báo bằng văn bản, thông báo, đăng tải trên cổng thông tin điện tử, tổ chức họp báo...Việc công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trách nhiệm người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị,trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước...

Tại mục 3 quy định về thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, Luật quy định quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được nhũng nhiễu trong giải quyết công việc...Tại mục 4 quy định về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức, Luật quy định nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác và thời hạn phải định kỳ chuyển đổi, kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác...

Về cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt, Luật có quy định chi tiết các nội dung về cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý tại Điều 27 và Điều 28 và thanh toán không dùng tiền mặt tại Điều 29.

Về phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, Luật đã quy định về công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước; công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy định kiểm tra hoạt động chống tham nhũng trong cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân; quy định thẩm quyền của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước trong thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán; xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, Luật đã quy định thành một chương riêng (Chương IV), theo đó quy định nội dung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng (Điều 70); quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác (Điều 71); quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách (Điều 72 và Điều 73).

Về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước (Chương VI), Luật đã nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, đồng thời quy định trách nhiệm của tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nói chung trong việc xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng. Điều 80, Luật quy định các doanh nghiệp, tổ chức này phải áp dụng các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, chế độ trách nhiệm của người đứng đầu.

Về xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Luật đã quy định rõ các nguyên tắc về việc xử lý tham nhũng (từ Điều 92 đến Điều 93). Điều 94 liệt kê các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng và quy định mang tính nguyên tắc xử lý đối với các hành vi này. Điều 95 quy định xử lý hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Việc tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng đã nâng cao nhận thức cũng như ý thức chấp hành của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, đảm bảo phục vụ nhu cầu chính đáng của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân, góp phần làm trong sạch bộ máy của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương./.

PHÒNG TƯ PHÁP QUẬN