LAO ĐỘNG - PHÁP LUẬT - CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

Cơ quan Bảo hiểm xã hội tham gia tố tụng với tư cách người bị hại trong các vụ án gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT
Publish date 23/08/2019 | 10:10  | View count: 415

Đây là nội dung được quy định trong Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận BHYT, Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2019.

Cụ thể, Điều 6 của Nghị quyết xác định: Trong các vụ án hình sự mà bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp theo Điều 214 của Bộ luật Hình sự; tội gian lận BHYT theo Điều 215 của Bộ luật Hình sự; tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự, cơ quan BHXH tham gia tố tụng với tư cách là bị hại.

Với quy định này, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan BHXH gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Bên cạnh đó, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao cũng xác định: các tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nếu phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định.

Khi nhận được tin báo về tội phạm hoặc văn bản kiến nghị khởi tố và chứng cứ, tài liệu có liên quan, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, với quy định này, người lao động ngoài việc uỷ quyền cho tổ chức Công đoàn tố giác, khởi tố, khởi kiện chủ sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng, gian lận số tiền tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của mình thì có thể trực tiếp thực hiện công việc này. Đây cũng là một công cụ hữu hiệu để người lao động bảo về quyền, lợi ích chính đáng của mình trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, nhất là khi việc khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của tổ chức Công đoàn đang gặp nhiều khó khăn do vướng các quy định của luật và điều kiện thực tế.

Để thực hiện việc tố tụng này, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao hướng dẫn: Việc gửi văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Thế nào là phạm tội chuyên nghiệp, thủ đoạn tinh vi trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp?

Cụ thể, Điều 3 của Nghị quyết xác định:

Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp (quy định tại điểm b khoản 2 các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự): là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi gian lận BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc phạm tội làm nguồn thu nhập.

Phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt (quy định tại điểm đ khoản 2 các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự): là trường hợp người phạm tội sử dụng công nghệ cao, móc nối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước hoặc thủ đoạn gian dối, mánh khóe khác để tiêu hủy chứng cứ, che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.

Ngoài ra, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao cũng hướng dẫn xác định:

Phạm tội 02 lần trở lên (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 216 của Bộ luật Hình sự): là trường hợp đã thực hiện hành vi phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động từ 02 lần trở lên nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động (quy định tại điểm d khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 216 của Bộ luật Hình sự): là trường hợp người sử dụng lao động đã thu hoặc đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm từ tiền lương tháng đóng bảo hiểm của người lao động nhưng không đóng cho cơ quan bảo hiểm.

Hướng dẫn chi tiết một số thuật ngữ được quy định tại Bộ luật Hình sự về lĩnh vực BHXH, BHYT

1. Lập hồ sơ giả: là hành vi lập hồ sơ BHXH, BH thất nghiệp trong đó có giấy tờ, tài liệu giả (ví dụ: giấy tờ, tài liệu không có thật, không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc cấp không đúng quy định, không đúng thẩm quyền, không đúng thời hạn...) để thanh toán các chế độ: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất; trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng để duy trì việc làm cho người lao động và chế độ khác theo quy định của pháp luật.

2. Lập hồ sơ bệnh án khống: là trường hợp không có sự việc khám bệnh, chữa bệnh hoặc có sự việc khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia BHYT nhưng họ không phải điều trị mà vẫn lập hồ sơ bệnh án cho họ.

3. Kê đơn thuốc khống: là trường hợp không có sự việc khám bệnh, chữa bệnh hoặc có sự việc khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia BHYT nhưng không có việc sử dụng thuốc mà vẫn kê đơn thuốc cho người có thẻ BHYT.

4. Kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh: là trường hợp có sự việc khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia BHYT nhưng kê số lượng thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật nhiều hơn số lượng thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật mà thực tế người bệnh sử dụng hoặc kê thêm các loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật mà thực tế người bệnh không sử dụng; kê tăng số lượng ngày điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc kê không đúng tên thuốc, vật tư y tế, loại giường và các dịch vụ kỹ thuật khác mà thực tế người bệnh đã sử dụng để làm tăng tiền chi phí khám bệnh, chữa bệnh thanh toán với quỹ BHYT.

5. Chi phí khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 215 của Bộ luật Hình sự: là các chi phí phát sinh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bao gồm chi phí tiền thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật và chi phí giường bệnh (ví dụ: tiền công khám, chi phí vận chuyển người bệnh...).

6. Giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT: là hành vi lập, sử dụng hồ sơ, thẻ BHYT không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT của người khác để hưởng chế độ BHYT trái quy định.

7. Thẻ BHYT được cấp khống: là thẻ BHYT do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người không đóng hoặc không thuộc diện được các tổ chức, nguồn quỹ khác đóng BHYT theo quy định.

8. Thẻ BHYT giả: là thẻ BHYT không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

9. Thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa: là thẻ BHYT được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người tham gia BHYT nhưng đã bị thu hồi theo quy định của pháp luật và BHYT hoặc thẻ đã bị sửa chữa, làm sai lệch thông tin của người có thẻ.

10. Trốn đóng bảo hiểm: là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

11. Gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp: là trường hợp cố ý không kê khai hoặc kê khai không đúng thực tế việc đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với cơ quan có thẩm quyền.

12. Không đóng tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp: là trường hợp người sử dụng lao động không gửi hồ sơ đăng ký đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với người lao động hoặc có gửi hồ sơ và đã xác định rõ, đầy đủ số người phải đóng hoặc các khoản phải đóng, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp, nhưng không đóng tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho cơ quan BHXH theo quy định.

13. Không đóng đầy đủ quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự: là việc người sử dụng lao động đã xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp nhưng chỉ đóng một phần tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho cơ quan BHXH theo quy định.

14. 06 tháng trở lên quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự được xác định là 06 tháng liên tục hoặc 06 tháng cộng dồn trở lên.

Ví dụ: Trong thời gian từ tháng 5 năm 2018 đến tháng 3 năm 2019, Doanh nghiệp A không đóng BHXH 04 tháng trong năm 2018 (gồm các tháng 5, 7, 9 và 11) và 02 tháng trong năm 2019 (tháng 01 và tháng 02) là không đóng BHXH 06 tháng cộng dồn trở lên.

15. Thiệt hại do hành vi phạm tội gian lận BHXH, BHYT, BH thất nghiệp quy định tại Điều 214 và Điều 215 của Bộ luật Hình sự gây ra không bao gồm số tiền BHXH, BH thất nghiệp, BHYT bị chiếm đoạt.

BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẬN