TIN TỨC - SỰ KIỆN

Huy chương vàng LAP 2018 – Quả ngọt của những năm tháng gieo trồng
Publish date 25/07/2018 | 10:18  | View count: 605

Vượt qua 81 đội thi của 11 quốc gia và vùng lãnh thổ, đội thi trường THCS Dịch Vọng đã xuất sắc là một trong các đoàn giành HCV, đem lại niềm tự hào cho thầy và trò nhà trường trước thềm năm học mới.

LAP (LEARNING ACROSS BORDER) là cuộc thi được tổ chức toàn cầu, một chương trình phi lợi nhuận tập trung vào học sinh và nhà giáo dục từ nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Chương trình hướng tới việc chuyển đổi các hệ thống giáo dục truyền thống thành hệ thống giáo dục lấy người học làm trung tâm, toàn diện và kỹ năng thực hành; được điểu khiển bởi một mạng lưới các nhà giáo dục có dùng quan điểm.

LAP 2018 với chủ đề “HUMANS: INCORPORATING OURSELVES INTO NATURE” (Con người hòa mình với thiên nhiên).

Vượt qua hai vòng thi khu vực, đội thi trường THCS Dịch Vọng gồm các em Vũ Thị Hà Anh và Nguyễn Phương Anh (lớp 7E) do hai cô giáo Vũ Bích Phương và Triệu Vũ Ánh Hồng phụ trách vinh dự tiến vào vòng chung kết với công trình nghiên cứu về “Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NƯỚC, TÁC HẠI CỦA NÓ ĐỐI VỚI HỆ SINH THÁI VÀ ĐỐI VỚI CUỘC SỐNG CON NGƯỜI”.

Với tầm nhìn chiến lược cộng với sự chỉ đạo sâu sát của Ban Giám Hiệu nhà trường, sự vào cuộc mạnh mẽ, nỗ lực của hai cô giáo phụ trách cùng cô giáo chủ nhiệm, sự năng động, thông minh, sáng tạo của các em học sinh, sự ủng hộ nhiệt tình của các bậc phụ huynh, đội đã xuất sắc giành HCV trong niềm vui của gia đình, thầy cô, và ánh mắt ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế. Hà Anh (thí sinh tham gia) chia sẻ: “Em và bạn cùng đội đã trực tiếp lấy nước từ hồ Nghĩa Tân và sông Tô Lịch mang đi xét nghiệm tính toán các thông số như độ dẫn, độ PH, độ DO; độ COD để tìm ra nguyên nhân gây ô nhiễm. Sự khác nhau về thông số giữa hai nguồn nước cũng được chúng em phân tích kỹ từ đó đưa ra lời cảnh báo đối với người dân về vấn đề ô nhiễm môi trường nước”.

Đặc biệt, trong toàn bộ quá trình từ nghiên cứu, thiết kế, thuyết trình và vấn đáp,…Tiếng Anh được các em sử dụng như một ngôn ngữ chính. Tiếng Anh đã không còn là một rào cản mà thực sự đã trở thành công cụ để các em hội nhập.

Quả thật, công trình này mang một ý nghĩa hết sức thực tiễn, cấp thiết và khả thi:

Sông Tô Lịch – chứng nhân lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long xưa và Hà Nội nay. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và biến cố của thời gian, sông vẫn hòa mình trong nhịp sống hối hả, ồn ào của đô thi loại I. Nhiều năm qua, dòng sông đã bị ô nhiễm nặng, phát sinh mùi khó chịu, và làm mất mỹ quan đô thị. Là công dân thủ đô, ý thức được trách nhiệm to lớn này, các em đã nghiên cứu mức độ ô nhiễm, đề ra phương án xử lý làm trong sạch nguồn nước. Tuổi trẻ và tương lai của của các em như mở ra viễn cảnh về một bức tranh của thành phố hòa bình có những cây cầu soi bóng trên dòng nước trong lành và những hàng cây xanh.

Bên cạnh đó, hồ Nghĩa Tân nằm trong công viên Nghĩa Đô, sát cạnh mái trường mà các em đang học. Làm trong lành nguồn nước nơi đây cũng chính là tạo nên một cảnh quan sạch đẹp; thân thiện gần trường. Rồi sẽ có những chuyến dã ngoại, hay giới thiệu với bạn bè khi có khách mời trường khác, nơi khác đến thăm,…

Có được thành quả như trên, cũng nhờ sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, Phòng Giáo Dục và Đào tạo, Phường Dịch Vọng, sự vào cuộc nhiệt tình của cán bộ giáo viên và phụ huynh trong toàn trường. Thành công này hòa vào thành công chung của nhà trường trong những bước chuyển mình quan trọng, tạo nên tâm thế và động lực lớn cho thầy trò nhà trường trước thềm năm học mới.

Nhớ lại hôm đó, trong lúc chờ đợi Ban Giám Khảo chấm; nhìn thấy các em học sinh có thể tự tin giao tiếp, vui đùa với bạn bè đến từ quốc gia khác… như nhìn thấy được một một mầm non mới, một tương lai tươi mới của nhà trường, của đất nước, niềm mơ ước về một thế hệ mới đã không còn xa…

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO