THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Phòng, chống bệnh sởi
Ngày đăng 25/09/2018 | 12:51  | View count: 315

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên, bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy... thậm chí có thể gây tử vong.

Biểu hiện của bệnh: Sốt 38,5oC - 40oC, nhức đầu, mệt mỏi;  Xuất tiết niêm mạc (Kết mạc đỏ, phù mi mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng); Sổ mũi, hắt hơi, khản tiếng, ho khan, có khi có ít đờm; Có thể nôn, trớ, đi ngoài phân lỏng; Khi phát ban ra ngoài, đầu tiên ban sởi mọc ở chân tóc, sau tai, sau gáy, trán, má đầu, mặt, cổ…

Các cách phòng bệnh 

1. Tiêm phòng vắc-xin

Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Trẻ em cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất lúc 9 tháng tuổi, mũi thứ hai lúc 18 tháng tuổi. Nếu chưa được tiêm vắc-xin sởi từ bé thì nên đi tiêm phòng.

2. Vệ sinh cá nhân

- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh.

- Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh.

- Che miệng khi ho, hắt hơi.

3. Vệ sinh môi trường

Tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi trẻ em. Trong trường hợp nhà có người bệnh thì phải tẩy trùng dụng cụ, vật dụng của người bệnh bằng dung dịch cloramin B.

4. Tránh cho trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh

 Trong trường hợp môi trường có người mắc sởi, cần tiếp xúc để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh sởi và cách ly người bệnh để tránh lây lan cho cộng đồng.

Khi trẻ có các dấu hiệu bệnh, gia đình cần cho trẻ đi khám bệnh để cách ly và điều trị, đồng thời thông báo ngay cho trạm y tế phường để có các biện pháp điều tra và xử lý kịp thời./.

TRUNG TÂM Y TẾ QUẬN CẦU GIẤY