THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Bệnh sốt xuất huyết
Ngày đăng 15/10/2018 | 07:48  | View count: 403

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh nhiễm vi rút cấp tính gây dịch do muỗi vằn truyền bệnh. Bệnh truyền từ người bệnh sang người lành qua muỗi vằn hút máu.

Muỗi vằn sống ở đâu?

Muỗi vằn màu đen, trên thân và chân có các đốm trắng, thường trú đậu trong nhà và những nơi ẩm thấp.

Muỗi cái hút máu người rồi đẻ trứng. Chúng thường hút máu người vào ban ngày, nhất là sáng sớm và chiều tối.

Muỗi vằn thích đẻ trứng vào các dụng cụ chứa nước, các đồ vật có nước động trong và xung quanh nhà như bể nước, lọ hoa, chậu cảnh có nước…

Người mắc sốt xuất huyết có các triệu chứng sau:

- Đối với thể bệnh nhẹ: người bệnh sốt cao đột ngột kèo dài từ 2 ngày trở lên, kèm theo đau đầu dữ dội vùng trán, hốc mắt và có thể phát ban

- Đối với thể nặng hơn: người bệnh có các biểu hiện trên và kèm theo các dấu hiệu khác như có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, bầm máu nơi tiêm, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, đau bụng, khó thở, buồn nôn, chân tay lạnh, vật vã, hoảng hốt.

Làm gì khi bị bệnh sốt xuất huyết:

Đối với các trường hợp nhẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách nghỉ ngơi tại giường, tránh đi lại nhiều, nằm màn. Cho người bệnh uống nhiều nước Ô-rê-zôn (Oresol), nước trái cây... Ăn các đồ nhẹ như cháo, sữa, súp. Khi sốt cao chỉ nên hạ sốt bằng Paracetamol, lau người bằng nước ấm.

Đặc biệt chú ý, khi thấy người bệnh có diễn biến nặng hơn như có các dấu hiệu xuất huyết hoặc li bì, bứt dứt, vật vã, tay chân lạnh, đau bụng, khó thở, nôn nhiều... phải đưa ngay đến bệnh viện để chữa trị kịp thời.

Tại sao sốt xuất huyết lại nguy hiểm?

Bệnh sốt xuất huyết có thể mắc ở bất kỳ ai và có thể gây tử vong do hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.

Bệnh sốt xuất huyết gây thiệt hại lớn về sức lao động và kinh tế của gia đình,cộng đồng và toàn xã hội. Các vụ dịch lớn sẽ gây ra quá tải bệnh viện và phải huy động phòng chống dịch khẩn cấp.

Biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất chỉ có là diệt muỗi vằn, cụ thể:

- Thả cá vào bể nước.

- Dùng nắp đậy kín bể nước chưa nước để tránh muỗi vằn đẻ trứng

- Không để nước đọng trong các vật dụng và đồ thải bỏ

- Bỏ đầy cát vào lọ nước trồng cây phát lộc, cây vạn niên thanh để tránh bọ gậy, muỗi vằn.

- Thả Abate (là thuốc diệt bọ gậy) vào nơi nước đọng.

- Tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn kể cả ban ngày.

- Dùng hương muỗi xịt bình, máy diệt muỗi.

 Khi đội ngũ cộng tác viên y tế đến phun hóa chất diệt muỗi, gia đình cần chú ý:

- Trước khi phun:

+ Mở cửa thông phòng và cửa sổ

+ Đậy kín thức ăn, vật dụng sinh hoạt hàng ngày.

+ Bảo vệ chim, cá cảnh, vật nuôi...

+ Sơ tán người ra khỏi nhà

- Sau khi phun:

+ Nên đóng kín các cửa trong khoảng 30 phút.

+ Mở cửa khoảng 5 phút trước khi vào nhà.

+ Rửa lại cốc chén, bát đĩa, đồ sinh hoạt hàng ngày trước khi dùng.

PHÒNG VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN