THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11)
Ngày đăng 20/11/2018 | 17:13  | View count: 2599

Di sản văn hóa Việt Nam bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, là tài sản vô cùng quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong suốt bề dày lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành sắc lệnh số 65/SL về bảo tồn cổ vật, di tích trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nội dung sắc lệnh 65 phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Cho đến nay, sắc lệnh vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước. Với ý nghĩa đó, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam” nhằm động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá Việt Nam nói chung và di sản văn hóa Hà Nội nói riêng đã nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị, nhiều di tích đã trở thành điểm tham quan thường xuyên của du khách, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô với bạn bè quốc tế như: di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, di sản hát xẩm, chầu văn… cùng nhiều bảo vật quốc gia và hàng ngàn hiện vật có giá trị được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội và các bảo tàng ngoài công lập. Di sản văn hóa Việt Nam đã thực sự khẳng định được vị trí, vai trò trong đời sống xã hội, có sức lan tỏa mãnh liệt nhưng đồng thời cũng đang đối mặt với những thách thức to lớn, những tác động trực tiếp từ thiên nhiên, môi trường và con người. Chính vì thế, ngày 29/6/2001, Quốc hội khóa X đã ban hành “Luật di sản văn hóa” nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền và toàn dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Luật di sản nêu rõ: Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ: Tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Thông báo kịp thời địa điểm phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do mình tìm được cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất; Ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép di sản văn hóa.

Hưởng ứng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trên địa bàn quận Cầu Giấy cần tích cực, chủ động thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa Việt Nam và các văn bản pháp quy về tu bổ, tôn tạo di tích, kiểm kê, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời có những việc làm thiết thực nhằm góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn Thủ đô nói chung và quận Cầu Giấy nói riêng./.

PHÒNG VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN