THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

03 thay đổi lớn sau khi chính thức bỏ sổ hộ khẩu
Ngày đăng 11/01/2023 | 16:08  | View count: 79

Sổ hộ khẩu ra đời tháng 6/1964 và trải qua nhiều lần bổ sung điều chỉnh. Tháng 11/2014, Quốc hội khoá XIII ban hành Luật căn cước công dân là tiền đề cho công cụ quản lý dân cư thay cho sổ hộ khẩu. Đến tháng 11/2020, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật cư trú sửa đổi, chính thức bỏ sổ hộ khẩu từ ngày 01/01/2023. Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi giao dịch hành chính, cung cấp dịch vụ công. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, Nghị định này bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công ở nhiều lĩnh vực như: việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội, điện lực, nuôi con nuôi. Theo đó, từ ngày 01/01/2023, người dân thực hiện các thủ tục trên thì chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ: căn cước công dân gắn chip, chứng minh nhân dân còn hiệu lực, giấy xác nhận cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi: Theo Điều 12, Nghị định 104/2022/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký của người nhận nuôi con nuôi thực tế sẽ thay đổi như sau: Người nhận con nuôi phải làm tờ khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế và nộp cho UBND cấp xã, nơi người đó thường trú. Trong tờ khai cần ghi rõ ngày, tháng, năm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi trên thực tế có chữ ký của ít nhất 02 người làm chứng kèm theo tờ khai phải có các giấy tờ sau: bản sao của một trong các giấy tờ: thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của người nhận con nuôi. Theo quy định hiện hành, tại Nghị định 19/2011/NĐ-CP cần có bản sao giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu của người nhận con nuôi, bản sao của một trong các giấy tờ: giấy khai sinh, thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của người được nhận làm con nuôi, bản sao giấy chứng kết hôn của người nhận con nuôi (nếu có), giấy tờ tài liệu khác để chứng minh về việc nuôi con nuôi (nếu có). Như vậy, theo Nghị định 104/2022/NĐ-CP, từ ngày 01/01/2023, hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế sẽ không còn sổ hộ khẩu giấy của người nhận con nuôi

Về thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế: Theo điều 25, Nghị định 19/2011/NĐ-CP, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp xã cử công chức tư pháp -  hộ tịch phối hợp công an xã tiến hành kiểm tra và xác minh, nếu cả người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi đều còn sống, quan hệ cha mẹ và con giữa các bên vẫn đang tồn tại, các bên có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau trên thực tế như cha mẹ và con thì UBND cấp xã đăng ký việc nuôi con nuôi. Khi đăng ký việc nuôi con nuôi, cả người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi đều phải có mặt, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào sổ đăng ký nuôi con nuôi và trao giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho các bên.

Việc nuôi con nuôi đã phát sinh trên thực tế giữa công dân Việt Nam với nhau mà chưa đăng ký trước ngày 01/01/2011, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 50, Luật nuôi con nuôi năm 2010 thì được đăng ký kể từ ngày 01/01/2011 đến hết ngày 31/12/2015 tại UBND cấp xã nơi thường trú của cha mẹ nuôi và con nuôi.

Tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình thế nào?

Nghị định 104/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đã sửa đổi, bổ sung một số điều và biểu mẫu của Nghị định 146 về hướng dẫn Luật bảo hiểm y tế. Theo đó quy định về nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình gồm người có tên trong cùng 1 hộ gia đình đăng ký thường trú, trừ những người thuộc đối tượng quy định tại các Điều 1,2,3,4 và 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thay thế người có tên trong sổ hộ khẩu bằng người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú. Những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký tạm trú, trừ đối tượng quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP và đối tượng đã tham gia BHYT có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú nêu trên thay thế người có trên trong sổ tạm trú bằng những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký tạm trú. Ngoài ra, các đối tượng được tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình còn gồm cả chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội, trừ một số đối tượng theo quy định mà không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT. Đặc biệt, Nghị định 104/2022/NĐ-CP đã bỏ yêu cầu về sổ hộ khẩu trong các biểu mẫu liên quan đến BHYT, BHYT hộ gia đình, cụ thể: Điều 2 Nghị định này đã điều chỉnh một số thông tin yêu cầu trong các biểu mẫu liên quan đến BHYT, BHYT hộ gia đình như: bãi bỏ cụm từ số sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú tại mẫu số 3 danh sách thành viên hộ gia đình tham gia BHYT kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP. Theo đó việc lập danh sách thành viên hộ gia đình khi đăng ký tham gia BHYT hộ gia đình không còn yêu cầu phải có hộ khẩu giấy. Ngoài ra, Nghị định 101/2022 còn sửa đổi, bổ sung nội dung tại phần hướng dẫn giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp, cấp lại và đổi thẻ BHYT. Theo đó, cá nhân đăng ký nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan BHXH. Khi đến nhận kết quả là tiền giải quyết chế độ BHYT, viên chức, bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hướng dẫn cá nhân như sau: Người hưởng chế độ trực tiếp nhận phải cung cấp giấy hẹn và thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân. Người nhận thay nếu là thân nhân của người hưởng chế độ, cung cấp giới hẹn, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân và một trong các giấy tờ chứng minh là thân nhân của người hưởng bảo hiểm y tế như bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy xác nhận thông tin về cư trú. Nếu là người giám hộ phải cung cấp giấy hẹn, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, giấy tờ chứng minh là giám hộ đương nhiên của người hưởng BHYT, bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc giấy thông báo số định dang cá nhân và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Như vậy, Nghị định 104/2022/NĐ-CP đã bỏ quy định về cung cấp bản sao sổ hộ khẩu, thay vào đó là bản sao giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thủ tục đất đai sẽ được thực hiện ra sao?

Nghị định 168/2016/NĐ-CP quy định hồ sơ nhận khoán ổn định lâu dài rừng tự nhiên, rừng trồng, đất rừng, vườn cây cao su, chè, cà phê, cacao, quế và vườn cây lấy nhựa, tinh dầu, cây ăn quả lâu năm bao gồm: bản sao chụp sổ hộ khẩu đối với cá nhân, hộ gia đình. Đối với cộng đồng dân cư, thôn cần phải có bản sao chụp sổ hộ khẩu của các cá nhân và hộ gia đình trong cộng đồng. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/01/2023, hồ sơ đề nghị nhận khoán không còn yêu cầu sổ hộ khẩu đối với cá nhân, hộ gia đình. Riêng đối với cộng đồng dân cư thì yêu cầu thông tin về số định danh cá nhân của các thành viên trong danh sách.

Về hồ sơ thuê, bán nhà ở cũ hoặc sở hữu nhà nước hiện nay: Theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung năm 2021 thì người thuê, bán nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước là vợ chồng thì phải có bản sao chứng thực sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy đăng ký kết hôn, nay theo Nghị định 104/2022/NĐ-CP, kể từ năm 2023, vợ chồng buộc phải có bản sao giấy chứng nhận kết hôn. Ngoài ra, quy định này cũng áp dụng đối với hồ sơ khi thực hiện thủ tục bán phần diện tích nhà đất sử dụng chung hoặc chuyển quyền sử dụng đất liền kề hoặc chuyển quyền sử dụng đất đối với nhà ở xây dựng trên đất trống trong khuôn viên nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước quy định tại Điều 71a, Nghị định 30/2021.

PHÒNG VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN