THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Bộ Tư pháp ban hành Bộ tài liệu Bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở dành cho Hòa giải viên
Publish date 17/09/2020 | 17:32  | View count: 416

Thực hiện Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022”, Quyết định số 4077/KH-BTP của Bộ Tư pháp ban hành Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên, Bộ Tư pháp đã xây dựng và ban hành Quyết định số 1852/QĐ-BTP ngày 01/9/2019 công bố Bộ tài liệu Bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở dành cho hòa giải viên (thay thế Bộ Tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên được ban hành theo Quyết định số 1753/QĐ-BTP ngày 22/8/2016).

Bộ Tài liệu được xây dựng bao gồm những nội dung thiết thực, quan trọng, liên quan trực tiếp đến công tác hòa giải ở cơ sở như: Một số kiến thức chung về hòa giải ở cơ sở (trong đó bao gồm: Khái niệm, đặc điểm, vai trò của hòa giải ở cơ sở; Phạm vi hòa giải ở cơ sở; Nguyên tắc hòa giải ở cơ sở; Quy trình hòa giải ở cơ sở; Thủ tục đề nghị công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án).

Tài liệu tập trung hướng dẫn các kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên bao gồm: Kỹ năng tiếp cận thông tin về vụ, việc hòa giải và nhu cầu của các bên; Kỹ năng tìm mâu thuẫn, xung đột lợi ích cốt lõi, nguyên nhân chủ yếu; Kỹ năng tra cứu, tham khảo, vận dung pháp luật, phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; Kỹ năng tổ chức, điều hành, kiểm soát buổi hòa giải; Kỹ năng tư vấn, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục vận động các bên tự thỏa thuận dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp; Kỹ năng ghi chép biên bản, sổ theo dõi hoạt động hòa giải, lập văn bản hòa giải thành, văn bản hòa giải không thành. Trong mỗi kỹ năng đều có những phân tích và các dẫn chứng minh họa cụ thể, giúp hòa giải viên dễ tiếp cận, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Bên cạnh đó, Tài liệu đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc thường gặp trong quá trình hòa giải và gợi mở phương hướng giải quyết như: Việc lập biên bản hòa giải thành; Thời hạn tiến hành hòa giải và giới hạn số lần hòa giải không thành tối đa cho mỗi vụ việc; Hướng dẫn về trình tự, thủ tục hòa giải; Một số quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ, động viên, khích lệ được áp dụng trong quá trình hòa giải.

Phần phụ lục Tài liệu có trích dẫn một số câu ca dao, tục ngữ thường được vận dụng trong hoạt động hòa giải ở cơ sở liên quan đến các lĩnh vực hôn nhân - gia đình; quan hệ giữa vợ và chồng; quan hệ giữa anh, chị, em trong gia đình; quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong gia đình; ca dao, tục ngữ về quan hệ xóm giềng, xã hội…

Ngoài ra, Tài liệu cũng trích dẫn danh mục một số tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng theo Nghị định số 126/2014/NĐ-CP của Chính phủ để hòa giải viên biết.

Bộ Tài liệu làm cơ sở cho các cơ quan có thẩm quyền sử dụng, vận dụng để tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; trang bị cho hòa giải viên những kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải phù hợp, thiết thực trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

(Bộ Tài liệu nghiệp vụ hòa giải: Tai lieu nghiep vu hoa giai co so.pdf)

PHÒNG VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN