TIN TỨC - SỰ KIỆN TIÊU BIỂU

Gian nan “mò kim đáy bể”
Publish date 29/06/2018 | 14:13

Đi tìm để tuyên truyền, vận động các chủ DN (chủ yếu là DN NVV) tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ là một nhiệm vụ quan trọng được ngành BHXH tích cực thực hiện từ nhiều năm nay. Thế nhưng, việc này lại chẳng hề đơn giản, bởi nhiều DN cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, cứ… lủi như chạch.

“Mò kim đáy bể”

Theo chân chị Đinh Mai Huyền- cán bộ thu của BHXH quận Cầu Giấy (Hà Nội) trong suốt một ngày làm việc, chúng tôi mới cảm nhận được một phần khó khăn, vất vả của công việc này ở cơ sở. Cầm trên tay tập danh sách DN có địa chỉ trên địa bàn quận (do BHXH Hà Nội cung cấp) để tiếp cận tuyên truyền, chị Huyền chọn ngẫu nhiên một vài DN có từ 100- 200 lao động để dẫn tôi đi. Theo chị Huyền, chọn những DN có số lao động lớn thì khả năng tìm thấy sẽ cao hơn.

Căn hộ chung cư này là địa chỉ một DN trên địa bàn quận Cầu Giấy

8 giờ sáng, chúng tôi xuất phát từ trụ sở BHXH quận, khi cái nắng Hè đã rất gay gắt. Đơn vị đầu tiên chúng tôi đến là Công ty TNHH Texpro Việt Nam (địa chỉ tại tầng 6, tòa nhà Việt Á, số 9, phố Duy Tân). Mất khá nhiều thời gian, chúng tôi mới tìm được chỗ để xe. Tuy nhiên, khi lên đến nơi, chúng tôi chưng hửng vì chẳng thấy “bóng dáng” của Công ty TNHH Texpro Việt Nam đâu mà thay vào đó là địa chỉ của một công ty khác. Một nhân viên ở đây thản nhiên cho biết: “Công ty TNHH Texpro Việt Nam đã chuyển đi từ hơn 2 năm trước rồi!”.

Từ tầng 6, chúng tôi “leo” tiếp lên tầng 8 của tòa nhà Việt Á. Đây là địa chỉ của Công ty CP Du lịch và Thương mại TKV. Tuy nhiên, địa điểm này hiện của Công ty CP Du lịch và Thương mại Vinacomin. Một nhân viên ở đây cũng khẳng định, Công ty CP Du lịch và Thương mại Vinacomin đã chuyển vào đây từ khi tòa nhà Việt Á vừa hoàn thành và hoàn toàn không có Công ty nào là Công ty CP Du lịch và Thương mại TKV từng tồn tại ở đây.

Rời tòa nhà Việt Á, chúng tôi tìm đến Công CP Xây dựng Lạc Việt (địa chỉ tại phòng 605, nhà N01, đường Trần Quý Kiên, phường Dịch Vọng). Trên đường đi, chị Huyền chia sẻ: “Hiện có quy định cấm các DN đặt văn phòng tại các tòa nhà chung cư. Tuy nhiên, thực tế vẫn có rất nhiều đơn vị chọn thuê loại nhà này vì giá rẻ, gây rất nhiều khó khăn cho việc tìm kiếm, xác minh của cơ quan BHXH. Nhiều khi chúng tôi mất cả buổi sáng mới tìm thấy một địa chỉ, thậm chí có hôm chả tìm được địa chỉ nào, toàn là địa chỉ “ma”.

Trụ sở Công ty CP Xây dựng Lạc Việt thuê không khó tìm. Cứ tưởng sẽ gặp may, nhưng ai ngờ, khi đến nơi, chúng tôi một lần nữa chưng hửng khi được bảo vệ tòa nhà cho biết công ty này đã chuyển đi từ lâu và căn phòng hiện là của một hộ gia đình đang sinh sống.

Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến Công ty CP Nội thất thông minh Vinal (địa chỉ tại 39 Trần Đăng Ninh, phường Dịch Vọng). Chị Huyền khá hy vọng ở trường hợp này, vì có địa chỉ là nhà ở mặt đất và “đơn vị có hơn 200 lao động”. Mặc dù vậy, khi đến nơi, chúng tôi lại một lần nữa phải thất vọng, vì công ty này đã di chuyển về… quận Thanh Xuân (Hà Nội).

Chịu nhiều áp lực

Chúng tôi đem những câu chuyện trên chia sẻ với bà Nguyễn Thị Bích Ngọc- Phó Giám đốc BHXH quận Cầu Giấy. Bà Ngọc cười bảo, đó là những chuyện “thường ngày” đối với cán bộ thu ở BHXH các quận, huyện ở Hà Nội. Mặc dù BHXH quận có được danh sách DN trên từ các nguồn, các kênh thông tin chính thống, tin cậy (Cục Thuế, Cục Thống kê, BHXH Thành phố), song khi đến tận nơi khảo sát thì như “mò kim đáy bể”, chỉ khoảng 30% số DN có tồn tại, còn hoạt động.

Cán bộ BHXH quận Cầu Giấy phải dùng mọi cách để liên lạc với chủ DN

“Đối với mỗi DN, trước khi cử cán bộ trực tiếp xuống làm việc, BHXH quận luôn làm đủ thủ tục thông báo 2 lần đến đơn vị về việc tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ. Những công việc này cũng đã mất rất nhiều thời gian, vất vả cho cán bộ thu, chưa kể đến việc lặn lội, trực tiếp đi tìm từng đơn vị. Do đó, mỗi cán bộ thu đều phải làm việc không kể ngày đêm, làm việc cả vào thứ Bảy, Chủ nhật. Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng công việc như hiện nay, nguồn nhân lực của BHXH sẽ không đủ đáp ứng”- bà Ngọc nói.

Chia sẻ thêm về tình trạng này, chị Đinh Mai Huyền cho biết: “Hiện tại, mỗi cán bộ thu của BHXH quận Cầu Giấy được giao phụ trách, theo dõi khoảng 300 đơn vị SDLĐ. Riêng tôi, được giao phụ trách gần 500 đơn vị, với tổng số gần 10.000 lao động. Công việc trong một tháng rất lớn như: Xử lý tăng giảm lao động; phối hợp cấp sổ, thẻ; đốc thúc DN đóng nộp; phát triển đối tượng, bàn giao sổ BHXH cho NLĐ… với rất nhiều cuộc điện thoại, văn bản, hồ sơ và những chuyến đi trực tiếp đến đơn vị. Vì thế, chúng tôi thường phải làm việc không biết đến giờ kết thúc. Có những ngày tôi làm việc đến 12 giờ đêm”.

Đang có con nhỏ dưới một tuổi, nhưng chị Nguyễn Ngọc Huyền- cũng là cán bộ thu của BHXH quận Cầu Giấy, vẫn hằng ngày đều đặn làm việc đến 8 giờ tối. “Con nhỏ nhờ ông bà chăm và sinh hoạt gia đình có nhiều xáo trộn. Công việc rất nhiều áp lực và căng thẳng, nhưng mệt mỏi nhất là việc đơn vị SDLĐ cố tình trốn tránh, không hợp tác”- chị Huyền tâm sự.

Có thể thấy, hiện nay, việc vận động DN tham gia BHXH, BHYT vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là ở các thành phố lớn luôn tập trung nhiều DN, biến động lao động thường xuyên xảy ra. Vì vậy, BHXH các quận, huyện rất mong muốn sớm có được nguồn dữ liệu về DN  thường xuyên, chính xác; đặc biệt là giải pháp về CNTT để giảm bớt áp lực công việc. Những cán bộ BHXH ở cơ sở cũng đều bày tỏ mong muốn nhận được sự phối hợp tích cực hơn nữa từ các cơ quan, đoàn thể để cùng chung tay đôn đốc vận động chủ DN đăng ký tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ hoặc vào cuộc xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật.

Báo BẢO HIỂM XÃ HỘI