LAO ĐỘNG - PHÁP LUẬT - CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và phát động cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn quận Cầu Giấy
Ngày đăng 17/05/2019 | 11:38  | View count: 532

Ngày 17/5/2019, UBND quận Cầu Giấy tổ chức hội nghị tổng kết 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và phát động cuộc thi “Tìm hiểu Dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn quận Cầu Giấy”.

Đến dự với Hội nghị có bà Hồ Xuân Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Phó chủ tịch HĐPB GDPL thành phố Hà Nội; bà Vũ Thị Thanh Tú - Trưởng phòng Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội; ông Lương Mậu Hùng – Phó Chủ tịch HĐND quận; lãnh đạo các ban, ngành thuộc Quận ủy, HĐND, UBND quận; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Cầu Giấy và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ, công chức các phường và các Tổ hòa giải ở cơ sở; Đặc biệt, là sự có mặt của các tổ chức, cá nhân đcó thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn quận.

Thay mặt UBND quận, đồng chí Phùng Đức Hữu đã báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và phát động cuộc thi “Tìm hiểu Dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn quận Cầu Giấy.

Kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của mọi tầng lớp nhân dân. Đối với quận Cầu Giấy, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả. Các Tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn bảo đảm đúng số lượng và thành phần theo quy định. Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Luật Hòa giải ở cơ sở, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hoà giải ở cơ sở đảm bảo chặt chẽ, thấu tình đạt lý, chất lượng hòa giải được nâng lên,  thể hiện qua tỷ lệ các vụ việc hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước (năm 2014: đạt 85,5%; năm 2015: đạt 86,1%; Năm 2016: đạt 86,3% ; năm 2017: đạt 88,7%; năm 2018: đạt 89,7%), số vụ hoà giải thành ngày càng tăng đã hỗ trợ cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc từ khi mới hình thành, tránh phát sinh điểm nóng, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu kiện vượt cấp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan Nhà nước và công dân. 

Những kết quả đạt được đã khẳng định Hòa giải ở cơ sở là nét đẹp truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam, là hoạt động mang tính tự nguyện, tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Hòa giải có vị trí, vai trò to lớn, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

PHÒNG TƯ PHÁP QUẬN