BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP

Tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 của Thành phố Hà Nội
Ngày đăng 26/02/2021 | 15:08  | View count: 303

Ngày 18/2/2021, Ủy ban Bầu cử quận Cầu Giấy đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-UBBC về việc ấn định số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND quận Cầu Giấy nhiệm kỳ 2021 – 2026. Theo đó, quận Cầu Giấy có số đơn vị bầu cử là 10, số lượng đại biểu được bầu là 35, được phân bổ như sau:

- Đơn vị bầu cử số 1: Địa bàn phường Nghĩa Đô được bầu 04 đại biểu

- Đơn vị bầu cử số 2: Địa bàn phường Nghĩa Tân được bầu 03 đại biểu

- Đơn vị bầu cử số 3: Địa bàn phường Mai Dịch được bầu 05 đại biểu

- Đơn vị bầu cử số 4: Địa bàn phường Dịch Vọng được bầu 03 đại biểu

- Đơn vị bầu cử số 5: Địa bàn phường Dịch Vọng Hậu được bầu 04 đại biểu

- Đơn vị bầu cử số 6: Địa bàn phường Quan Hoa được bầu 04 đại biểu

- Đơn vị bầu cử số 7: Địa bàn phường Yên Hòa (gồm các tổ dân phố từ tổ dân phố số 1 đến tổ dân phố số 13, 15, 18, 19, 20 và chung cư Luxury Park Views) được bầu 03 đại biểu

- Đơn vị bầu cử số 8: Địa bàn phường Yên Hòa (gồm các tổ dân phố số 14, 16, 17, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, chung cư E2 lô E, chung cư Home City, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương) được bầu 03 đại biểu

- Đơn vị bầu cử số 9: Địa bàn phường Trung Hòa (gồm các tổ dân phố từ tổ dân phố số 1 đến tổ dân phố số 24B, Sư đoàn 361, Trung đoàn 293 (Quân chủng Phòng không – Không quân), Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Trường Đại học Lao động – Xã hội) được bầu 03 đại biểu

- Đơn vị bầu cử số 10: Địa bàn phường Trung Hòa (gồm các tổ dân phố từ tổ dân phố số 26 đến tổ dân phố số 51 và Lữ đoàn 205 - Binh chủng Thông tin) được bầu 03 đại biểu

Tiêu chuẩn đại biểu HĐND các cấp được quy định như sau:

1. Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ hai mươi mốt tuổi trở lên (tính đến ngày bầu cử được công bố) có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, bao gồm:

- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.

- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

2. Theo Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/01/2020 của Ban Tổ chức Trung ương và Hướng dẫn số 01-HD/TU ngày 03/02/2021 của Thành ủy Hà Nội, tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được cụ thể như sau:

a. Tiêu chuẩn chung

Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu; có tư tưởng chính trị vững vàng; có năng lực xây dựng chính sách và khả năng tổ chức hoạt động giám sát, có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28/02/2018 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Hội đồng nhân dân các cấp.

b. Về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách

Ngoài các tiêu chuẩn chung, người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách ở các cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

- Có trình độ đào tạo đại học trở lên.

- Ở cấp Thành phố: Cán bộ ứng cử Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân chuyên trách phải là Thành ủy viên trở lên (trong đó có 01 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy), đang giữ chức vụ từ Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên và đã được quy hoạch Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố trở lên; cán bộ ứng cử Trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân phải giữ chức vụ từ Phó Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên; ứng cử Phó Trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân phải giữ chức vụ từ Trưởng phòng hoặc tương đương trong các sở, ban, ngành Thành phố trở lên và được quy hoạch Phó Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên.

- Ở cấp huyện: Cán bộ ứng cử Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân chuyên trách phải là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ quận, huyện, thị xã, giữ chức vụ từ Trưởng phòng hoặc tương đương trở lên, đã được quy hoạch Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên. Cán bộ ứng cử Trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân phải giữ chức vụ từ Phó Trưởng phòng hoặc tương đương trở lên và được quy hoạch Trưởng phòng hoặc tương đương trở lên; ứng cử Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên từ 05 năm trở lên và đã được quy hoạch vào chức vụ từ Phó Trưởng phòng hoặc tương đương trở lên.

Đối với các đồng chí dự kiến bố trí làm Trưởng các ban của Hội đồng nhân dân kiêm nhiệm, cần có năng lực, trình độ, sức khỏe và thời gian để đáp ứng yêu cầu công việc.

Riêng đối với thành phố Hà Nội, k hông tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân phường nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

- Về độ tuổi

Cán bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách phải đủ tuổi tham gia 02 nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân trở lên hoặc ít nhất trọn một nhiệm kỳ, nam sinh từ tháng 02/1966, nữ sinh từ tháng 01/1971 trở lại đây; nhân sự tái cử phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính từ tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây và sẽ nghỉ hưu khi đến tuổi theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Riêng những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là cán bộ Quân đội, Công an thực hiện theo độ tuổi quy định tại Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân. Đối với những trường hợp tuổi ứng cử cao hơn, như Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các hội theo Kết luận số 58-KL/TW ngày 12/9/2019 của Ban Bí thư do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.

- Về tiêu chuẩn sức khỏe: Được cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận đủ sức khỏe trong thời gian không quá 06 tháng tính đến tháng 05/2021 (tỉnh ủy, thành ủy hướng dẫn, xác định cơ sở y tế để khám sức khỏe).

 

PHÒNG VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN