AN NINH - QUỐC PHÒNG
Trong thời gian gần đây, tình hình tội phạm lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung và quận Cầu Giấy nói riêng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và số tài sản thiệt hại gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Công an quận Cầu Giấy khuyến cáo người dân cảnh giác trước một số thủ đoạn phổ biến sau:
1. Làm quen, tặng quà:
Các đối tượng người nước ngoài sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo... để kết bạn, làm quen, thường xuyên tâm sự trò chuyện với bị hại để tạo sự tin tưởng. Sau thời gian quen biết, đối tượng thông báo gửi qùa là tiền mặt hoặc tài sản có giá trị rất lớn qua đường hàng không. Sau đó, có đối tượng là người Việt Nam giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế,…yêu cầu bị hại nộp tiền để nhận được quà, tạo ra rất nhiều lý do “trục trặc chưa nhận được” để yêu cầu bị hại chuyển tiền nhiều lần vào các số tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp. Khi nạn nhân không còn khả năng tiếp tục chuyển tiền, các đối tượng xóa ngay tài khoản Facebook, Zalo... và các số điện thoại đã sử dụng để cắt đứt liên lạc, lúc này bị hại mới phát hiện ra là bị lừa.
2. Gọi điện giả danh cán bộ cơ quan chức năng:
Các đối tượng sử dụng phần mềm công nghệ cao (Voice over IP - cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính) giả số điện thoại hiện trên màn hình, gọi điện cho bị hại tự xưng là nhân viên Bưu điện, Bưu cục thông báo về việc người bị hại đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy giấy tờ tùy thân đăng ký mở tài khoản ngân hàng, hoặc liên quan đến các vụ án,... Sau đó, nối máy cho bị hại nói chuyện với một số đối tượng khác giả danh cán bộ đang công tác tại các cơ quan tư pháp (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án) thông báo người bị hại liên quan đến vụ án đang điều tra, nếu không thực hiện đúng theo nội dung chúng đưa ra sẽ bị khởi tố, khiến nạn nhân hoang mang lo sợ để cung cấp thông tin cá nhân và tài sản. Đối tượng yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định, cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng hoặc hướng dẫn bị hại tải ứng dụng giả mạo có tên “Bộ Công an” và truy cập để cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với vỏ bọc xác minh, điều tra. Sau đó đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản của bị hại và chuyển tiền đến nhiều tài khoản khác của đối tượng nhằm chiếm đoạt tài sản.
3. Mạo danh tài khoản mạng xã hội:
Đối tượng lập tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo...) hoặc chiếm quyền quản trị tài khoản mạng xã hội (hack) của người khác rồi nhắn tin cho người thân, bạn bè trong danh sách lỉên lạc của chủ tài khoản giả vay, mượn tiền, hoặc nhờ chuyển tiền số lượng lớn vảo tài khoản ngân hàng ảo của đối tượng hoặc gửi thông báo lệnh chuyển tiền giả, kèm đường link trang web giả mạo ngân hàng, yêu cầu bị hại truy cập, kiểm tra. Kết hợp với mã OTP của ngân hàng lừa lấy được từ bị hại sau đó kiểm soát tài khoản Internet banking, chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng của bị hại.
4. Thông báo trúng thưởng:
Đối tượng sử dụng Facebook Messenger để gửi tin nhắn cho người bị hại thông báo trúng thưởng tài sản (Xe Honda SH150i, điện thoại, đồng hồ...) hoặc tiền mặt (phiếu quà tặng, phiếu đổ xăng...) có giá trị lớn. Sau đó yêu cầu người bị hại nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. Việc chuyển khoản/nạp thẻ phải được thực hiện trong vòng 60 đến 90 phút, nếu không sẽ không được nhận và giải thưởng cũng sẽ chuyển cho người khác. Bên cạnh đó, trên trang web để hoàn tất thủ tục hồ sơ nhận thưởng, thông tin về đơn vị tổ chức được dựng lên chi tiết, bao gồm cả tên tuổi, địa chỉ những người đã trúng trước đó, CMND của nhân viên hỗ trợ nhận thưởng... khiến người dân mất cảnh giác và chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng.
5. Kinh doanh đa cấp các sàn giao dịch điện tử (tiền kỹ thuật số, sàn ngoại hối,…):
Các đối tượng lập ra các website đầu tư tài chính, các ứng dụng có giao diện tương tự sàn đầu tư tài chính quốc tế rồi sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia như: Gọi điện thoại tư vấn, gửi tin nhắn, đăng tin quảng bá, mời chào qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook...), tổ chức các buổi hội thảo có quy mô lớn, đưa những người tự xưng là chuyên gia về lĩnh vực tài chính đến chia sẻ kinh nghiệm... Các sàn đều được quảng cáo có nguồn gốc từ nước ngoài, liên kết với nền tảng giao dịch điện tử hàng đầu thế giới, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhưng lại an toàn, có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian khiến nhiều người dân tham gia dưới hình thức đầu tư bằng các loại tiền kỹ thuật số. Sau một thời gian, sàn giao dịch thông báo dừng hoạt động để bảo trì hoặc lỗi không truy cập được, khách hàng không đăng nhập được để rút tiền hoặc bị mất hết tiền kỹ thuật số trong tài khoản.
6. Sử dụng hộp thư điện tử giả mạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh:
Đối tượng lập các hộp thư điện tử tương tự của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất có thực hiện các giao dịch qua email, mạo danh đối tác để đề nghị các tổ chức, cá nhân chuyển tiền thanh toán hợp đồng vào tài khoản ngân hàng của đối tượng và chiếm đoạt.
7. Mua bán lan đột biến:
Các đối tượng lợi dụng việc đầu tư kinh doanh, chơi hoa lan đột biến gen đang trở thành trào lưu được nhiều tầng lớp, thành phần trong xã hội tham gia và tâm lý hám lợi của một bộ phận người dân. Các đối tượng thường cấu kết thành ổ nhóm, thuê nhà, dựng giàn, làm vườn trồng lan rồi thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok... để lập ra các hội, nhóm như: Hội chơi lan quý, lan đột biến... công khai, quảng bá, giới thiệu, quay clip trực tuyến các sản phẩm hoa lan đột biến gen và tổ chức trao đổi, mua bán trực tiếp hoặc đấu giá trực tuyến. Đối với giao dịch trực tiếp, các đối tượng hẹn người mua đến địa chỉ nhà thuê để giao dịch. Sau khi giao dịch thành công, nhận được tiền, các đối tượng khóa tài khoản, chặn liên lạc và bỏ đi khỏi địa điểm nhà thuê.
8. Cố ý chuyển khoản nhầm để ép cho vay nặng lãi:
Các đối tượng sẽ cố ý “chuyển nhầm” một khoản tiền đến cho “con mồi”. Kẻ lừa đảo sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính để liên hệ với con mồi. Lúc này chúng có thể yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với khoản lãi cắt cổ. Khuyến cáo nếu người dân nhận được khoản tiền vào tài khoản mà không rõ lí do, nghi chuyển nhầm, lưu ý không sử dụng số tiền vào việc chi tiêu cá nhân và chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo, xử lý theo đúng quy định.
Trên đây là một số thủ đoạn lừa đảo đang gia tăng trong xã hội hiện nay, người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè tránh để “mắc bẫy của đối tượng xấu”, đồng thời thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất khi gặp các trường hợp nêu trên để xử lý theo quy định của pháp luật./.
CÔNG AN QUẬN
Tin tức sự kiện
- Tin tức - sự kiện tiêu biểu
- Công tác đảng
- hoạt động của HĐND
- Hoạt động của UBND
- Kinh tế - đô thị
- Văn hóa - thể thao
- An ninh - Quốc phòng
- Giáo dục
- Đất đai đô thị
- Ủy ban mặt trận tổ quốc và các đoàn thể
- Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
- Thông tin tuyên truyền
- Người tốt - việc tốt
- Lao động- Pháp luật - Chính sách Xã hội
- Y tế - Dân số
- Phòng cháy - chữa cháy
- Thông tin khác