Y TẾ - DÂN SỐ

Cách phòng tránh và xử trí ngộ độc thực phẩm dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024
Publish date 05/02/2024 | 15:13  | View count: 110

Ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra, nhất là vào những dịp lễ, Tết quan trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do bảo quản không đúng cách khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm hóa chất do thực phẩm không rõ nguồn gốc, lưu trữ thức ăn lâu ngày hoặc trong bản thân thực phẩm có chứa chất độc… nên có nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm là vô cùng cần thiết.

Ngộ độc thức ăn thông thường ở thể nhẹ, thoáng qua nhưng cũng có thể nặng tùy theo tác nhân gây bệnh. Trong vài giờ sau khi ăn, các triệu chứng sẽ xuất hiện bao gồm: Buồn nôn, nôn mửa, khó chịu ở bụng, đau quặn bụng, tiêu chảy. Một số triệu chứng nặng hơn như: Sốt, nhức đầu, chóng mặt, thậm chí tụt huyết áp, hôn mê… Khi có các triệu chứng trên, chúng ta cần đến bệnh viện ngay để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị sớm. Đa số các trường hợp nhẹ không cần phải dùng đến những loại thuốc đặc trị nào. Khi bệnh nhân mất nước do ói và tiêu chảy nhiều, đặc biệt là ở trẻ em và người già, cần được cho uống bù nước ngay, càng sớm càng tốt (có thể uống nước chín, nước lọc tại nhà trước khi đi đến bệnh viện). Trong những trường hợp nặng, bác sĩ cần phải truyền dịch qua đường tĩnh mạch tại bệnh viện.

Mười nguyên tắc vàng về ATTP

1. Chọn  thực phẩm an toàn: Chọn thực phẩm tươi: rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên rửa sạch, gọt vỏ trước khi ăn.

2. Nấu chín kỹ thức ăn: Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn, là bảo đảm nhiệt độ bên trong khối thực phẩm phải đạt tới trên 70°C.

3. Ăn ngay sau khi nấu: Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì để lâu thức ăn càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khoẻ.

4.  Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín: Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ cần phải giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.

5. Nấu lại thức ăn thật kỹ: Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng phải được đun kỹ lại.

6. Tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống: Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn.

7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn: Nếu tay có vết thương hãy băng kỹ và kín vết thương trước khi chế biến thức ăn.

8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn: Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng.

9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác: Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn… Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.

10.  Sử dụng nguồn nước sạch an toàn: Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Cần đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.

TRUNG TÂM Y TẾ QUẬN