THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Luật Thư viện góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của Nhân dân
Ngày đăng 21/05/2020 | 11:43  | View count: 396

Ngày 21/11/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện gồm 6 c hương, 52 Đ iều với các quy định chung (Điều 1 đến Điều 8) ; Q uy định cụ thể về việc thành lập thư viện (Điều 9 đến Điều 23) , các hoạt động thư viện (Điều 24 đến Điều 37) ; Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện (Điều 38 đến Điều 47) ; Trách nhiệm quản lý Nhà nước về thư viện (Điều 48 đến Điều 50) và các điều khoản thi hành (Điều 51 và 52).

Theo đó, hệ thống thư viện gồm có: Thư viện Quốc gia Việt Nam; Thư viện công cộng; Thư viện chuyên ngành; Thư viện lực lượng vũ trang; Thư viện cơ sở giáo dục đại học (thư viện đại học); Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác; Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam.

Thư viện được tổ chức theo 2 mô hình: Thư viện công lập Thư viện ngoài công lập (bổ sung loại hình này). Trong đó, thư viện công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu được tổ chức theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc phù hợp với mô hình của cơ quan chủ quản. Thư viện ngoài công lập sẽ do tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài, cộng đồng dân cư đảm bảo đảm điều kiện hoạt động được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp hoặc mô hình khác.

Cùng với việc công nhận thư viện ngoài công lập, đối tượng được thành lập thư viện cũng mở rộng, xã hội hóa hoạt động thành lập thư viện. Không chỉ dừng lại ở các tổ chức của Việt Nam, mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư đều có quyền thành lập thư viện ngoài công lập khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Như vậy, từ việc chỉ tham gia các hoạt động do thư viện tổ chức hoặc đóng góp cho hoạt động thư viện, Luật Thư viện 2019 đã cho phép tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia thành lập, tổ chức các hoạt động thư viện trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai chính sách khuyến khích, phát huy mọi nguồn lực trong xã hội, là cơ sở quan trọng để xây dựng phát triển thư viện trong cả nước, từ đó mở rộng điều kiện, khả năng tiếp cận thông tin cho người dân, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, phục vụ việc học tập suốt đời của người dân.

Lần đầu tiên, ngày 21/4 hàng năm được đưa vào Luật Thư viện, trở thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách.

Liên thông thư viện là một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Thư viện 2019. Thực hiện liên thông là nguyên tắc hoạt động chung mà mọi thư viện công lập, thư viện ngoài công lập đều phải thực hiện. Việc các thư viện thực hiện liên thông có một ý nghĩa rất lớn, bảo đảm hoạt động thư viện được triển khai theo hướng hiện đại, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin và tiện ích giữa các thư viện; nhất là liên thông giữa các thư viện được Nhà nước ưu tiên đầu tư với các thư viện khác nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện, khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, phục vụ cho người sử dụng tốt nhất có thể.

Ngoài ra, vấn đề đánh giá hoạt động thư viện cũng là một trong những điểm mới quy định trong Luật Thư viện. Hoạt động này mang tính chất định kỳ hàng năm do các thư viện, cơ quan thành lập, cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện. Việc đánh giá hoạt động thư viện sẽ góp phần phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thư viện, nâng cao hoạt động thư viện. Điều này buộc các thư viện phải thường xuyên tự đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.

Bên cạnh đó, Luật Thư viện năm 2019 ban hành một số điều quy định cụ thể về phát triển thư viện số, hiện đại hóa thư viện, để các thư viện phát triển và vận hành theo xu thế của thời đại với những yêu cầu đặt ra trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó quy định xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số là chức năng, nhiệm vụ của tất cả các loại hình thư viện. Việc phát triển tài nguyên thông tin số được dựa trên cơ sở thu thập tài liệu số hoặc số hóa tài liệu của thư viện. Người sử dụng được cung cấp quyền truy cập trực tiếp tới tài nguyên thông tin số và các dạng khác.

Luật Thư viện có hiệu lực ngày 01/07/2020 sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện phát triển sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong hoạt động thư viện; nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thư viện; khuyến khích xã hội hóa các hoạt động thư viện. Luật ra đời nhằm kiện toàn, củng cố, chuẩn hóa thư viện công lập và khuyến khích phát triển thư viện ngoài công lập; giúp chuẩn hóa hoạt động thư viện, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thư viện số và đẩy mạnh liên thông thư viện… Luật cũng tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng, phát huy đầy đủ các chức năng của thư viện trong bảo vệ quyền tiếp cận thông tin, tri thức, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của Nhân dân, góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam toàn diện, thực hiện phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

PHÒNG TƯ PHÁP QUẬN