THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Phòng, chống bệnh do virus Adeno
Ngày đăng 17/11/2022 | 09:12  | View count: 307

Trong thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân mắc virus Adeno gia tăng. Theo số liệu của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến ngày 05/10/2022, Hà Nội đã ghi nhận 2.770 bệnh nhân dương tính với vi rút Adeno phân bố tại 30/30 quận/huyện/thị xã, đã có 3 trường hợp tử vong (Mỹ Đức 1, Phú Xuyên 1, Tây Hồ 1). Một số quận huyện ghi nhận số ca mắc cao như: Long biên 206, Hà Đông 226, Hoàng Mai 224, Nam Từ Liêm 223.

Đây là bệnh nhiễm virus cấp tính với biểu hiện đa dạng ở nhiều hệ thống cơ quan khác nhau như: đường hô hấp, kết mạc, tiêu hoá, v.v. Bệnh lưu hành nhiều nơi trong cả nước, tản phát quanh năm. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, tuy nhiên hay gặp hơn ở trẻ em.

Virus Adeno lây truyền do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp, qua giọt bắn nước bọt, qua niêm mạc khi bơi lội, nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, do dịch tiết từ mắt, mũi, phân của bệnh nhân hoặc tiếp xúc gián tiếp khi dùng chung những vật dụng cá nhân với người bị nhiễm virus Adeno.  

Một số biểu hiện thường gặp của bệnh như: sốt, sưng hạch bạch huyết vùng cổ hai bên, viêm họng, đau mắt đỏ do viêm kết mạc, phù mi mắt và tổ chức xung quanh hố mắt... Virus Adeno có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như: viêm phổi gây suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng và tử vong.

Chẩn đoán xác định bệnh dựa vào lâm sàng và phân lập virus Adeno (+) hoặc kháng nguyên virus Adeno  (+) trong bệnh phẩm hoặc xét nghiệm huyết thanh (+). Bệnh được chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự do tác nhân là các virus gây bệnh khác như Rhino virus, COVID-19, Influenza, v.v.

 Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu các bệnh do virus Adeno gây ra, thường là điều trị triệu chứng, kết hợp nâng cao thể trạng cơ thể; chưa có vắc xin phòng bệnh chủ động. Do đó, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

- Tránh tiếp xúc với người bị bệnh/nghi mắc bệnh.

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.

- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, không sử dụng chung khăn mặt, đồ dùng cá nhân với người khác. Vệ sinh mũi, họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý.

- Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá.

- Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng và một số loại vắc xin phòng bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

- Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng giúp phòng ngừa bệnh.

- Khi có các biểu hiện nghi ngờ nhiễm virus, người dân cần đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

TRUNG TÂM Y TẾ QUẬN