TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn quận Cầu Giấy
Ngày đăng 22/04/2019 | 11:30  | View count: 1907

Những năm qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn quận Cầu Giấy đã đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả. Các Tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn bảo đảm đúng số lượng và thành phần theo quy định. Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, góp phần hạn chế đơn thư, kiến nghị.

Trong 05 năm (01/01/2014 - 31/12/2018), các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND các phường đã thực hiện hoặc lồng ghép tổ chức 113 hội nghị triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật liên quan với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến luật; Bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải cơ sở; Tọa đàm; Hội thảo; Lồng ghép với tuyên truyền văn bản pháp luật khác; Phát hành tài liệu, cấp phát sách, sổ tay pháp luật về hòa giải cho tủ sách pháp luật phường; Thông qua Cổng Thông tin điện tử quận và Đài truyền thanh các phường; Tổ chức và tham gia cuộc thi “Hòa giải viên giỏi”.

Phòng Tư pháp thường xuyên phối hợp với các phòng, ban, ngành, UBND các phường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung Hiến pháp năm 2013, Luật Hòa giải ở cơ sở, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường,… tới cán bộ, công chức, viên chức, hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những điểm mới của Bộ luật Dân sự quy định về thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở. Tổ chức tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung do Bộ Tư pháp ban hành và kỹ năng hòa giải các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ trẻ em,… cho các hòa giải viên thông qua các hội nghị tập huấn và trực tiếp giải quyết các tình huống phát sinh trên thực tế, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và hướng dẫn các hòa giải viên thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở sát với tình hình thực tiễn, đổi mới cách tiếp cận vụ việc và phương thức tiến hành hòa giải, giúp công tác hòa giải ngày hiệu quả hơn.

Toàn quận đã cấp, phát hơn 7.000 cuốn “Những nội dung cơ bản của Luật Hòa giải ở cơ sở”, “Sổ tay pháp luật về Hòa giải ở cơ sở”, “Sổ tay nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở”, “Công tác hòa giải ở cơ sở - Tập 1 và 2”; “Hướng dẫn quản lý công tác hòa giải” và “Cẩm nang bồi dưỡng cho hòa giải viên”; hơn 20.000 tờ rơi; gần 10.000 tài liệu có liên quan đến nghiệp vụ pháp luật phục vụ cho công tác hòa giải ở sơ sở.

Thực hiện văn bản số 1806/TP-MTTQ ngày 22/8/2017 của Sở Tư pháp và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội hướng dẫn mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” và tiêu chí đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở, UBND quận đã chỉ đạo Phòng Tư pháp hướng dẫn UBND các phường phối hợp với UBMTTQ cùng cấp rà soát, ra quyết định công nhận “Tổ hòa giải 5 tốt” theo đúng thời gian và quy định. Các “Tổ hòa giải 5 tốt” trên địa bàn quận đã chủ động, kịp thời nắm bắt và triển khai hòa giải kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong đời sống nhân dân, không để vụ việc từ không đáng kể lại thành nghiêm trọng. Hàng quý đều tổ chức họp giao ban giữa các Tổ hòa giải để đánh giá kết quả, qua đó rút ra được bài học kinh nghiệm từ những tồn tại, hạn chế, đồng thời đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tiếp theo.

Hiện nay, quận Cầu Giấy có 270 Tổ hòa giải với 1.213 hòa giải viên. Hòa giải viên có trình độ chuyên môn về luật chiếm 20,19%; số chưa qua đào tạo luật chiếm tới 79,8%; Nữ giới là 54,1%. Về cơ bản, đội ngũ hòa giải viên đáp ứng được yêu cầu về khả năng am hiểu kiến thức pháp luật và có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc hòa giải trên địa bàn quận.

Đội ngũ hòa giải viên của quận đã thực hiện hòa giải phần lớn các mâu thuẫn, tranh chấp, một số vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư. Tổng số vụ việc tiếp nhận hòa giải toàn quận trong 05 năm là: 1.414 vụ, trong đó số vụ hòa giải thành là 1.234 vụ, đạt tỷ lệ hòa giải thành trung bình là 87,2%/năm. Các vụ việc hòa giải chủ yếu vẫn là những tranh chấp về dân sự, liên quan đến đất đai, tranh chấp về lối đi, hôn nhân và gia đình, môi trường, vật nuôi,... Trong quá trình giải quyết các vụ việc, ngoài sử dụng những kiến thức cơ bản theo quy định của pháp luật còn lồng ghép các hình thức khác để việc hòa giải đạt kết quả cao nhất như áp dụng các phong tục, tập quán, tâm lý tình làng nghĩa xóm hay người có uy tín trong dòng họ có phẩm chất đạo đức chuẩn mực để phân tích, giáo dục, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp tự thoả thuận và đi đến giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, góp phần giữ gìn đoàn kết, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở cộng đồng dân cư.

Có thể thấy sau 05 năm triển khai thi hành Luật, công tác hòa giải ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND các phường, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Hầu hết các Tổ hòa giải ở cơ sở đã được củng cố, kiện toàn bảo đảm đúng quy định. Tỷ lệ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước đã hỗ trợ một phần không nhỏ cho chính quyền trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc từ khi mới hình thành, tránh phát sinh thành điểm nóng và trở thành khiếu nại, tố cáo trong nhân dân, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu kiện vượt cấp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan Nhà nước và công dân. Qua đó nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật, từng bước hình thành trong Nhân dân ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; đồng thời phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế - xã hội, chung tay xây dựng quận Cầu Giấy ngày càng văn minh, hiện đại.

PHÒNG TƯ PHÁP QUẬN